Tôi là 1 nhà tuyển dụng, tôi đã từng phỏng vấn nhiều lớp ứng viên, có cả lâu năm và cả sinh viên mới ra trường, có những người bằng khá, giỏi, cao đẳng, đại học, trung cấp tôi đều nói chuyện qua. Nhưng có 1 số lời khuyên tôi đưa ra cho các bạn nhé!
Không phải có bằng là được tuyển dụng:
Nhiều đợt phỏng vấn, khi kiểm tra trình độ 10 em đến phỏng vấn tuyển dụng có khi không em nào đạt đủ điều kiện. Tôi mong rằng các bạn sinh viên, cử nhân mới ra trường nên đặt ra tiêu chí cho cuộc đời mình, học đến đâu và học để làm gì, học như thế nào. Chứ hiện giờ tôi và một số người bạn làm nhân sự các công ty lớn không bao giờ tuyển dụng nhân viên dựa vào bằng cấp. Tôi và họ cũng đâu cần bạn có kinh nghiệm đối với việc làm vì chúng tôi biết các bạn mới ra trường. Nhưng với những kiến thức khi bạn ngồi trên giảng đường còn không nhớ được thì làm sao đi làm.
Chỉn chu hết sức có thể:
Những bạn sinh viên đã ra trường nếu không xin được việc đúng chuyên ngành có thể tìm việc làm liên quan một ít đến chuyên ngành. Các bạn hãy cố gắng làm việc thật tốt, học hỏi thật nhiều kinh nghiệm từ bản thân, các anh chị đồng nghiệp và phải có trách nhiệm cao với công việc, vui vẻ và nhiệt tình. Các bạn đừng đòi hỏi mức lương khi mới ra trường. Trong thời gian này các bạn dành thời gian tự học, trau dồi kinh nghiệm, tham gia các sự kiện đoàn thể để có thêm mối quan hệ. Có kinh nghiệm và mối quan hệ rồi cơ hội để các bạn nắm bắt các việc làm tốt, đúng ngành sẽ nhiều hơn.
Trong quá trình thực tập hay mới đi làm, nếu các bạn gặp khó khăn về mối quan hệ trong công việc thì cũng phải cố gắng tìm cách vượt qua. Khi vượt qua được, sau này các bạn sẽ rất dễ dàng hòa nhập môi trường làm việc mới và có thể làm việc lâu dài. Tôi nghĩ cuộc sống luôn có những bài học cho ta, nếu ta học không được sẽ phải học lại. Các yếu tố khác như chuẩn bị hồ sơ, tác phong chuyên nghiệp...các bạn phải chuẩn bị cho thật chỉn chu hết sức có thể khi đi xin việc.
Những thứ có giá trị khi đi xin việc:
1. Kỹ năng ngoại ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Hoa (kỹ năng nghĩa là nghe nói được, không phải bằng cấp).
2. Kỹ năng lắng nghe và đặt câu hỏi (rất tiếc, tôi thấy không có trường đại học hay cao đẳng nào dạy cái này, nếu có cũng không xài được).
3. Khả năng tư duy giải quyết vấn đề: nhiều bạn cử nhân kiến thức rất tốt, khốn nỗi là không biết dùng vì khả năng tư duy không có, không thể vận dụng những gì mình đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
4. Khả năng tự học hỏi từ người khác và làm việc một cách bài bản, ngăn nắp và chu đáo: cái này cũng chẳng có trường nào dạy, một số rất ít bạn có kỹ năng này nhờ vào giáo dục của gia đình và tính cách cá nhân tốt. Đảm bảo những bạn đang thất nghiệp dài dài đều không có những cái kể trên.
Ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn hãy để ý, quan tâm đến kĩ năng mềm cơ bản như: cách ứng xử, thưa gửi, đối đáp, chào hỏi, tinh thần trách nhiệm, gọn gàng,...
Rất nhiều bạn trẻ, khi tôi hẹn phỏng vấn, các ban đồng ý, nhưng đến giờ chẳng thấy các bạn đến, thậm chí không điện thoại hay nhắn tin. Tỉ lệ này chiếm khá cao. Các bạn nghĩ doanh nghiệp có dám mạo hiểm giao việc cho bạn không?
Các bạn luôn muốn ra trường có việc như ngành mình học, nhưng nếu không được như ý, hãy chọn công việc mình cảm thấy phù hợp, học hỏi từ công việc đó.
Bạn phải luyện cho mình khả năng thích ứng, làm được nhiều thể loại công việc. Các doanh nghiệp luôn ưu tiên ứng viên năng động, hiểu biết.
Đừng chăm chăm vào con đường phải đi làm đúng chuyên ngành hay công ty lớn, lương cao... Hãy tin rằng cánh cửa này đóng, thì sẽ có cánh cửa khác mở ra thôi.
Bạn thật sự thích làm đúng chuyên ngành của bạn? Hay bạn vì lỡ phóng lao mà phải theo lao?
Bạn có dám bỏ tất cả để làm đúng công việc mình yêu thích hay không?
Với tôi, đôi khi được làm công việc bạn yêu thích, sẽ mang đến cho bạn nhiều hạnh phúc hơn là cái công việc đúng chuyên ngành chỉ vì đã lỡ học thì phải theo.
Hiện tại không ít bạn học một ngành vì nghĩ ngành đó mang đến cho mình nhiều tiền, chọn một nghề vì nghĩ nghề đó mang đến cho mình sự vinh hiển hơn là vì mình yêu thích công việc đó.
Tư tưởng đó đôi khi sẽ làm cho bạn học với một tư thế khác, và đi tìm việc với một tư tưởng khác, nhà tuyển dụng không chọn bạn là vì thế.
Các bạn là kỹ sư hay cử nhân làm đủ mọi nghề để kiếm sống, để khẳng định mình tồn tại không có gì đáng xấu hổ. Mặc dù các nghề đó không đúng khả năng của mình, nhưng xã hội cần. Các bạn rất dũng cảm để vượt qua bản thân ở cái chữ "sĩ". Đến lúc nào đó cơ hội nghề nghiệp lại trở lại với mình. Ông bà có câu: Đi hết cuộc đời mới biết mình hay hay dở.
Các bạn sẽ không thất nghiệp nếu:
1. Không quan niệm rằng phải tìm được việc đúng ngành nghề. Học ngành này, làm việc ngành khác không phải là trời sập. Đại học ngoài việc cung cấp kỹ năng và kiến thức chuyên môn của một nghề cụ thể, còn là cơ hội để bạn có một nền tảng tư duy và hiểu biết rộng rãi về xã hội. Có những kỹ năng cần cho tất cả mọi nghề, nếu không có những kỹ năng đó bằng cấp nào cũng vô dụng. Tấm bằng chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Vì vậy đừng câu nệ tấm bằng bạn có, hãy tự hỏi bạn có những khả năng và phẩm chất gì.
2. Không coi công việc chỉ là phương tiện để kiếm sống, và không làm việc với thái độ “trả nợ quỷ thần” có mặt sếp thì làm, sếp ngoảnh đi thì chuồn về hay chơi game. Cho dù công việc lương có thấp đến đâu đi nữa, hoặc bạn không nhận làm, hoặc bạn nhận thì phải nhận với tất cả trách nhiệm của mình. Một người làm việc có lương tâm nghề nghiệp, làm với tất cả trách nhiệm cao nhất, bất kỳ ai cũng muốn có một nhân viên như thế. Nếu bạn không có được lương tâm chức nghiệp như thế, cơ hội dù có đến tay bạn rồi cũng sẽ vuột mất.
3. Không bao giờ ngừng học hỏi. Bạn càng trẻ càng cần có nhiều thứ để học. Bạn càng lớn tuổi càng cần học thêm nữa để làm mới hiểu biết của mình. Bất cứ công việc nào cũng là cơ hội cho bạn học hỏi.
4. Không đóng khung suy nghĩ của mình theo một lối mòn. Nhà trường Việt Nam rất ít dạy sinh viên thái độ chủ động và tinh thần khởi nghiệp, dám chấp nhận thử thách và rủi ro. Cơ hội luôn luôn có ở xung quanh bạn, vấn đề là bạn có nhìn thấy hay không và có đủ năng lực để nắm bắt hay không mà thôi.
Tóm lại, đừng ngồi chờ nhà trường cải thiện chất lượng đào tạo. Đừng ngồi chờ kinh tế khởi sắc. Đừng ngồi chờ số phận mang may mắn lại cho mình. Đừng ngồi chờ ai đó phát hiện tài năng của mình. Hãy quan sát cuộc sống, hiểu rõ mình là ai, có những nhược điểm gì và mong muốn đạt được điều gì trong cuộc sống. Nhà trường dạy các bạn mơ ước nhưng không chuẩn bị đủ cho các bạn những năng lực để biến mơ ước thành sự thật. Bạn hãy tự mình tìm cách lấp những khoảng trống ấy.
Nguồn: Sưu tầm
Mình tốt nghiệp 2 năm rồi mà vẫn long đong lận đận đây. :(
Trả lờiXóaMe too :((
XóaMe too :((
Xóa