Mỗi khi mùa hạ oi bức trở về với những đợt nắng chói chang, tôi lại nao nức nhớ về cảm giác hân hoan thời thơ ấu khi nhận que kem bốc hơi mát lạnh mà chú bán kem vừa lấy ra từ chiếc thùng xốp buộc phía đằng sau cái xe đạp cũ kỹ của chú.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên ả. Trong bao kỷ niệm tuổi thơ êm đềm, có hình ảnh que kem và tiếng còi rao “kem mút…”. Niềm háo hức đợi chờ mỗi ngày có người bán kem đi qua ngõ luôn thường trực trong lũ trẻ chúng tôi. Mặc dù có khi cả tuần mới được ăn kem một lần, có khi chẳng có tiền để mua nhưng những đứa trẻ quê chúng tôi cứ chờ đợi, chờ đợi.

Ở quê, những người đi bán kem thường có cách rao riêng của mình. Cũng như hàng chiếu thì rao: “Ai chiếu nào…”, hàng muối thì rao: “Ai muối nào…”, còn hàng kem không rao bằng lời mà rao bằng tiếng: Kem…kem mút…kem mút…!

Họ lấy một chai nhựa như chai nước khoáng, chai dầu rửa bát hay chai gì gì đó, gò một miếng tôn thành cái loa nhỏ rồi cắm loa vào miệng chai, buộc chặt lại bằng đoạn dây cao su dài. Những buổi trưa hè bỏng rát, họ đạp xe khắp các đường ngang lối tắt, không phải mỏi miệng rao, chỉ cần bóp mạnh tay một chút là kem mút… kem mút. Và bọn trẻ con cuối xóm cũng có thể dỏng tai nghe thấy.

Những buổi trưa hè man mác gió, cả làng quê lặng ngủ yên bình dưới bóng tre lao xao phe phẩy, chỉ có đám trẻ nhỏ là giả vờ lim dim ngủ ngoan. Cho đến khi, từ xa xa vẳng lại cái âm thanh toe toe, cùng với đó là tiếng rao dài “Kem mút điiiii!… Ai kem mút nào!...” của chú bán kem đang đến, những đôi mắt đang lim dim ấy lập tức bật dậy chạy ùa ra. Đứa nào không ra nhanh thì mất lượt bởi xe kem của chú chả bao giờ phải đi đến lượt thứ hai.

Thôi nhé, chả còn sợ mẹ hay bố mắng, chúng chạy rầm rập ra ngõ, có khi không kịp xỏ dép như sợ chú bán kem đi mất. Tay cầm năm ba trăm bạc cũ mà bố mẹ cho buổi sáng, tụi trẻ con vây quanh chiếc xe đạp cà tàng chở thùng đựng kem có gỗ bọc bên ngoài xỉn xỉn màu nhưng chỉ cần mở nắp ra thôi là sẽ thấy cả một…thế giới mát lạnh, ngọt ngào.

Đứa rướn cổ lên nhìn vào trong thùng rồi nói: “Chú cho bán cho cháu kem!”, đứa chậm chân hơn thì cố luồn tay qua cổ những đứa bạn đang xúm xít quây lấy thùng kem đưa năm trăm đồng cho chú bán hàng: “Cháu, cháu một que kem chú ạ!”…Cả một thế giới ấu thơ hồn nhiên, chan hòa khuấy động bầu không khí nắng gắt của buổi trưa mùa hạ!

Khi những tiếng toe toe thân thuộc rời xa dần con ngõ nhỏ, những đứa trẻ đã kịp ngồi yên vị mỗi đứa một chỗ dưới rặng tre bên bờ ao, hay dưới gốc bàng xòe rộng tán. Tay cầm chặt que kem màu trắng như một báu vật, cả lũ chả dám cắn mà chỉ thỉnh thoảng mới dám mút mút cho lâu hết. Đứa nào cũng sợ mình ăn nhanh, hết trước đám bạn thì sau đó chỉ có nước đứng nhìn mà…thèm thuồng.

Vô vàn các câu chuyện "nhà tớ có cái ghế mới", "nhà cậu có con mèo bị ốm" râm ran sôi nổi quanh những que kem tỏa hơi mát lạnh. Đứa nào vừa hào phóng cho bạn cắn thử một miếng nhỏ nhỏ thì nhất định cũng sẽ đòi... xin lại một miếng khác cho công bằng. 


Mỗi mùa hè về, tôi, cũng như bao đứa bạn khác cùng làng, cùng lớp lại háo hức mong chờ chú bán kem có nước da đen sạm cầm chiếc kèn bóp toe toe và rao vang: “Kem mút đi!... Ai mua kem mút đi!...”. Mùa hạ khi ấy, có nghĩa là được nghỉ học, được long nhong đội nắng đi chơi. Và mùa hạ, có nghĩa là mùa kem ngọt ngào như ước mơ.

Ngày ấy, kem bán rất rẻ, chỉ cần 200 đồng là mua được bốn que kem cho mấy chị em ăn. Nhưng ngày đó, trẻ con thôn quê thì làm gì có tiền để mua kem liên tục. Chúng tôi nghĩ ra một cách là hàng ngày tìm sưu tầm, tích cóp lông gà, vỏ trai, sắt vụn, nhựa hỏng và đồ hộp để thỉnh thoảng có chút “vốn” đổi kem. Tôi nhớ không biết bao nhiêu lần trốn mẹ ngủ trưa cùng tụi trẻ con trong xóm đi nhặt sắt vụn để đổi kem, không biết bao nhiêu lần tôi bị mẹ đánh cho lằn mông mà vẫn không thể nào thoát khỏi sức hấp dẫn của những que kem mát lạnh. Tôi nhớ thỉnh thoảng bố lại cho chúng tôi những cái chai sứt miệng hay những chiếc chậu sắt tây đã bị thủng không hàn được nữa, hoặc những đôi dép rách vá chằng vá đụp, đến nỗi không còn chỗ nào để hàn... để chúng tôi tích lại mang đổi kem. Mỗi chai sáu lăm có thể đổi được tới hai que kem, ăn ra trò, hay một đôi dép rách cũng được tới hai que. Chỉ có lông gà lông vịt là tốn, hàng túi to mà chỉ được một que. Chúng tôi cầm que kem ăn vui vẻ với “thành quả lao động” của mình.


Giữa cái nóng 36 - 37 độ, lũ nhóc lốc nhốc, nín thở vào trộm vườn nhà hàng xóm bới bới, tìm tìm, rồi chí choé tranh nhau một cái hộp nhựa. Bác hàng xóm bực mình vì bị phá ngang giấc ngủ quát cho cả lũ ùa chạy té khói. Cũng có khi chẳng đứa nào là không nghe thấy tiếng kèn “kem mút” mà vẫn cố tình ơi ới gọi nhau loạn xóm “kem ơi” với chú bán kem có bộ râu quai nón rậm rì như Trương Phi nhưng không đứa nào thấy sợ chú. Mua kem xong, đứa nào đứa nấy thi nhau cật lực bóp cái kèn “kem mút” xem ai bóp kêu to hơn, dài hơn.

Kem mút thực ra có tên là kem đá. Đúng như cái tên của nó, kem buốt nhức răng, cứng ngắc không khác viên đá để tủ lạnh là mấy. Ăn kem đá không thể cắn ngay được, phải chầm chậm mút vòng quanh cây kem, đến khi kem mềm ra mới cắn từng miếng nhỏ, để vị ngòn ngọt, mát lạnh của cây kem thầm dần từ đầu lưỡi. Chắc tại ăn kem đá phải mút nhiều hơn nhai, lại thêm tiếng kèn gần giống tiếng “kem mút”, nên trẻ con mới gọi chệch đi bằng cái tên ngồ ngộ, dễ thương là kem mút. Kem mút ăn được rất lâu, nhưng cũng không thể để dành như những thứ quà khác. Chỉ cần một ít sắt vụn hoặc 1 trăm đồng là có thể sở hữu kem mút. Thứ kem mút lạo xạo toàn đá ấy là niềm sung sướng của bất kì đứa trẻ nào. Thảo nào cũng có trò nhem nhem đứa không có tiền mua kem, nhưng rồi lại quên ngay sau đó, cho vài đứa mút nhờ cái kem của mình. Thời ấy làm gì biết thế nào là vệ sinh hay mất vệ sinh, chỉ thấy phổng mũi, tự hào ghê gớm khi cho đứa bạn cùng ăn chung que kem mút.

Lớn lên, đi học xa nhà, rồi ra trường đi làm, dư vị về mùa hè trong tâm trí chúng tôi cũng khác đi nhiều. Mùa hạ, khi này chỉ là mùa...nóng nhất trong bốn mùa, mùa mà hóa đơn tiền điện cao hơn, rồi mùa mà những bực dọc, nóng nảy diễn ra thường xuyên hơn.

Những que kem chúng tôi được thưởng thức cũng có khác đi, ngon hơn, lạ hơn. Tôi hay đi ăn kem cùng người yêu, cùng những người bạn mới, cùng đồng nghiệp. Mỗi lần như thế, trong ký ức tôi lại ngập tràn một không gian đầy nắng - thứ nắng oi ả nhưng trong trẻo của quê hương, với hình ảnh lũ trẻ tíu tít như bầy chim sẻ, ùa ra từ những lớp học đơn sơ, từ đằng sau những hàng dậu dâm bụt nở hoa đỏ rực, chạy rầm rập tới chỗ chú bán kem có chiếc thùng kem cũ kỹ...

So với bây giờ, kem ngày đó không được ngon, chỉ là chút bột gạo nếp với đậu đen kèm theo chủ yếu là đá có chút đường, ăn sồn sột. Vậy mà, với lũ trẻ quê chúng tôi, đó là thứ quà sang nhất và thích nhất. Cầm que kem đưa lên miệng, chúng tôi không dám ăn ngay mà ngắm nghía mãi, hít hà mãi để ngửi mùi thơm của dầu chuối sau đó mới cho vào miệng mút từng tí, ngậm hồi lâu cho cái mát lạnh thấm sâu vào miệng, vào tận trong cổ. Kem ăn xong, vẫn thấy tiếc nuối cái cảm giác thơm thơm, lạnh lạnh.

Bây giờ, bất cứ lúc nào muốn ăn thứ kem gì cũng có thể thực hiện được. Tụi trẻ con chẳng đứa nào còn ăn kem mút và cũng không bao giờ có được cảm giác hồi hộp đợi thứ kem cứng ngắc toàn đá như tôi ngày ấy. Còn tôi hoài cổ cứ thích nhớ về kem mút, que kem của một thời tuổi thơ tôi.

Những trưa hè, tôi cố để ý và lắng nghe tiếng còi kem mút ngày xưa. Tuy vẫn còn nhưng ít lắm tiếng “kem mút” quen thuộc thuở nào. Tôi tự nhiên như xa lạ với âm thanh này, và tiếng rao ấy mỗi trưa hè như lạc vào không gian, như tan biến vào con đường xa tắp. Tôi lại lật tìm tiếng “kem mút” trong kí ức tuổi thơ tôi.

Mùa đông này, giữa Hà Nội, những ngày lạnh, bọn bạn rủ đi ăn kem Tràng Tiền, kem Thuỷ Tạ, tự nhiên nhớ kem hai trăm ngày xưa, nhớ quê mình da diết…
Sưu tầm: Duy Khánh

Đăng nhận xét Blogger Disqus

 
Top