Năm hết Tết đến là thời điểm khởi đầu một năm mới nên ai cũng muốn chuẩn bị cho gia đình một cái Tết thật sung túc, đầy đủ để cả năm được may mắn. Không chỉ có việc làm mới, trang trí nhà cửa mà các chị, em còn phải chuẩn bị quà Tết về quê, mua sắm các vật dụng cần thiết... Song, việc chi tiêu trong dịp Tết thế nào cho hiệu quả mà vẫn tiết kiệm, đặc biệt trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, đến mối lo thủng túi luôn là điều khiến nhiều chị em phải đau đầu.

Dưới đây là mẹo quản lý chi tiêu gúp chị, em tiết kiệm chi phí cho dịp Tết, đồng thời vơi bớt nỗi lo để tìm được nhiều niềm vui trong xuân mới.

Lên kế hoạch chi tiêu:

Xác định tổng số tiền mà mình dự định sẽ chi dùng trong dịp Tết, lên danh sách những món đồ cần mua, cân nhắc số lượng cho từng món và ước lượng chi phí.

Thông thường, nhiều người thường nghĩ việc lên danh sách những thứ cần mua, cần chi tiêu chỉ dùng trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, nếu bạn lập được một kế hoạch chi tiêu hợp lý cho cả gia đình trong ngày Tết chắc chắn sẽ giúp bạn tránh khỏi việc bối rối khi không biết mình đã mua gì, chưa mua gì mà tiền đã gần cạn. Hơn nữa, tâm lý mọi người luôn cảm thấy có quá nhiều thứ cần phải mua, luôn sợ thiếu, khi Tết đến không thể mua được. Sau khi danh sách đã hoàn thành, bạn sẽ dự tính được mình sẽ cần chi bao nhiêu tiền cho mỗi khoản và (nếu có thể), gạt bỏ trong danh sách đó những mục chưa hợp lý.

Việc bạn cần làm là liệt kê ra danh sách những thứ cần mua rồi tìm hiểu giá cả, cân đối giữa chi phí và tài chính mà bạn đang có. Đồng thời, điều này cũng giúp bạn không bị quá tay bởi những món đồ ngẫu hứng, phát sinh khi bước chân vào các khi trung tâm mua sắm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lên chi tiết những khoản cần dùng trong dịp Tết như: quà cáp, tiền mừng tuổi, tiền đóng góp cho hai bên bố mẹ, tiền quà biếu, tiền mua sắm đồ đạc, thực phẩm...

Mua sắm thông minh

Gần Tết, luôn là thời điểm mà hàng loạt các nhãn hàng tổ chức chương trình khuyến mãi, giảm giá sốc, các siêu thị, cửa hàng điện máy luôn có những chiêu hút khách bằng giảm giá “khủng” hoặc tặng quà đi kèm khi mua các sản phẩm gia dụng, đây chính là lúc bạn có thể tham khảo và quyết định sắm sửa những món đồ còn thiếu cho gia đình với một mức giá hợp lý. Tuy nhiên khi mua hàng khuyến mại, các chị, em cần tìm hiểu kỹ giá, chất lượng hoặc chủng loại của sản phẩm cần mua hoặc có thể tham khảo ý kiến người xung quanh đã sử dụng, từ đó có thể tìm ra mức giá hợp lý cũng như địa điểm tin cậy để mua sắm, kiểm tra giá cả ở nhiều nơi trước khi quyết định mua hàng để không bị mua “hớ” hay rơi vào “bẫy” nâng giá lên mây rồi giảm xuống của một số siêu thị.


Vào những ngày giáp Tết, các loại sản phẩm như hoa quả, đồ uống thường có giá cao hơn những ngày trước rất nhiều. Chính vì vậy nếu có điều kiện các bà nội trợ nên tranh thủ sắm đồ Tết sớm để không phải chịu cái giá cắt cổ đội thêm 5 – 10% vào ngày cận Tết. Đồng thời, việc mua sắm ở chợ đầu mới, hay các chợ quê... là những gợi ý tuyệt vời cho bạn khi phải mua sắm những sản phẩm thiết yếu như gà, giò, chả...

Không nhất thiết phải mua trữ quá nhiều thực phẩm tươi sống vì một số các cửa hàng bán thực phẩm, siêu thị sẽ mở cửa lại từ mùng 2 Tết.

Rủ bạn bè, người thân cùng đi mua sắm để được hưởng ưu đãi khi mua sỉ.

Tận dụng những vật dụng cũ

Với suy nghĩ "một năm mới có một lần", hay "Tết nên cái gì cũng phải mới", nhiều chị em đã "vung tay quá trán" trong dịp này. Hãy tận dụng các vật dụng cũ như khay đựng mứt, bánh kẹo vẫn còn dùng tốt, không nên mua một cái mới, chỉ vì mẫu mã của nó nhìn đẹp, sang trọng. Nếu có những chậu cây quất, đào từ năm ngoái vẫn còn đẹp, bạn chỉ cần khéo léo trang trí bằng những phụ kiện, chắc chắn chúng vẫn mang màu sắc xuân tới ngôi nhà của bạn.


Tự chuẩn bị thực phẩm cho Tết

Bánh mứt kẹo và giò chả là những thứ không thể thiếu trong dịp lễ tết nhưng thay vì đi mua, chúng ta hoàn toàn có thể làm tại nhà. Thay vì mua những món đồ làm sẵn, bạn có thể tự tay làm những món ăn truyền thống dịp Tết như mứt, dưa hành muối, bánh chưng... Bạn có thể tham khảo cách làm các món này trên báo đài, internet hay các bà, các chị xung quanh. Việc tự tay chuẩn bị những thực phẩm này, không dùng đồ mua sẵn có thể đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp bạn tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể.

Bánh kẹo, rượu bia hoa quả để bày biện mâm ngũ quả trong những ngày Tết cũng không rẻ vì dịp này các loại hoa quả đều tăng giá mạnh, hơn nữa các loại bánh kẹo, mứt tết được bày bán rất đa dạng nhưng lại không bao bì, không rõ nguồn gốc vậy để tiết kiệm chi tiêu các chị em nên tự làm một số món ăn truyền thống dịp lễ tết vừa để tiết kiệm hơn so với đi mua, vừa không phải lo về hậu quả của những chất bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm làm sẵn trong dịp tết.

Chuẩn bị tiền với mệnh giá nhỏ để mừng tuổi, đi lễ chùa…

Tâm lý chung của người Việt Nam, đầu năm mà có một tập tiền này đi lễ chùa hay mừng tuổi, đảm bảo cả năm sẽ gặp may mắn”. Trong 3 ngày tết, người lớn thường chuẩn bị rất nhiều phong bao để mừng tuổi cho con, cháu, để mong muốn các cháu hay ăn chóng lớn, chăm ngoan, học giỏi, vâng lời cha mẹ, thầy cô. Với ý nghĩa tốt đẹp đó, phong tục mừng tuổi đã được nhân dân ta gìn giữ và phát huy đến tận ngày nay.

Bên cạnh đó, đổi tiền lẻ đi lễ chùa là thói quen đã xuất hiện cách đây hàng chục năm của người dân Việt Nam, với ý nghĩa tâm linh là càng rải nhiều tiền ở những nơi linh thiêng thì sẽ gặp nhiều may mắn.


Bạn có thể tích lũy tiền lẻ từ 1 nghìn, 2 nghìn, 5 nghìn trong thời gian bạn đi chợ hàng ngày. Cuối năm là bạn có 1 khoản kha khá để có thể tận dụng được rồi. Tránh chờ đến cận Tết, những kẻ “ăn bám” đã lợi dụng tâm lí đi chùa, mừng tuổi để tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân. Cụ thể, loại mệnh giá 5.000 đồng được đổi ở mức “10 ăn 7” (đổi 10 nghìn đồng ăn 7 nghìn đồng). đắt nhất là loại tiền cotton 10.000 đồng với mức “5 ăn 1” (đổi 50 nghìn ăn 10 nghìn).
Nguồn: Vnexpress

Đăng nhận xét Blogger Disqus

 
Top